1. Kỹ thuật

    Kỹ thuật Ban quản trị

    Điểm Doanh Nghiệp:
    0
    Tham gia ngày:
    01/11/16
    Bài viết:
    33
    Được cảm ơn:
    8
    Điểm thành tích:
    8
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Đảm trách nội dung kỹ thuật
    Phần Một : Các yếu tố cơ bản

    Thực chất môn quần vợt chỉ là đánh vào trái bóng sau cho bóng bay qua sân bên kia, với tốc độ và qũy đạo mong muốn để rơi vào điểm (hay khu vực) mà ta mong đợi.

    Trước khi nghiên cứu đo đạc các cú đánh của các tay cao thủ, ta cần thiết lập một số điều kiện:

    - Chấp nhận sai số do quy cách vợt, cấu trúc dây căng vợt, độ căng dây, loại bóng, cấu trúc mặt sân, hướng gió, và của máy bắn bóng trong thử nghiệm

    - Xác định các yếu tố cần đo đạc cho yêu cầu kỹ thuật của mỗi cú đánh. Một số các yếu tố có thể bỏ qua ví dụ như lực đạp vào đất của chân, tốc độ đạp, …

    Kết quả khảo sát các cú đánh của 100 cao thủ cho thấy các yếu tố sau xứng đáng được đưa vào kỹ thuật tennis:

    Nguyên tắc 1 : Chuẩn bị ở xa và đánh dài theo hướng bóng đi

    Mặc dù nguyên tắc này áp dụng cho mọi cú đánh, nhưng ta tạm dùng cú thuận tay để mô tả ý niệm này.

    Nhận xét và Phân tích:

    - Lỗi hay gặp ở các tay vợt mới tập chơi là họ có biên độ đánh quá ngắn. Lý do là họ sợ đánh hụt bóng, hoặc cơ thể họ không thể thực hiện được các yếu tố mở vợt ra xa bóng hết mức, và tiến vào bóng đủ sâu để đánh dài theo bóng.

    - Dần dà khi trình độ được nâng cao hơn, các tay vợt trung bình sẽ có qũy đạo đánh dài hơn, nhưng đa số họ đều không ý thức được việc cần thiết phải hoàn chỉnh yếu tố này. Đó là lý do chính khiến họ dừng lại ở một trong hai kiểu đánh như hình vẽ trên. Mặt khác, đa số thay vì đánh đúng từ A sang B, họ lại đánh từ sau A và kéo dài ra sau B một đoạn. Đây là khái niệm quảng đường có ích của quỹ đạo. Việc đánh dài nhưng không đúng đoạn có ích cũng không đem lại tác dụng!

    - Cú đánh mạnh có qũy đạo đo được là khoảng 2 mét, gấp 8-9 lần so với qũy đạo của các tay vợt mới tập. Độ dốc của qũy đạo có thay đổi một chút tùy theo độ xoáy của bóng mà họ tạo ra. Phần cuối của đoạn này có hình kết thúc "sấm sét" của một cú thuận tay chuẩn.

    Lưu ý:

    Xuyên suốt trong tuyển tập này, bạn cần lưu ý: Một số yếu tố kỹ thuật là đúng cho các tay cao thủ như yếu tố trên, lại không giúp ích nhiều cho các tay vợt mới tập chơi. Lý do là nếu bạn yêu cầu dân mới tập mở vợt xa và “đánh theo banh” dài như trên, họ không thể có phản xạ và lực để tạo nên qũy đạo và vận tốc mong muốn được.

    Qũy đạo đánh và lực đánh có mối quan hệ hai chiều. Nếu như đánh không đúng qũy đạo, bạn có muốn đánh mạnh cũng không được! Ngược lại, khi bạn đã đánh mạnh được, bạn cũng khó lòng đánh sai qũy đạo như mô phỏng ở trên.

    Thực tế là muốn đánh mạnh, bạn buộc phải đánh theo quỹ đạo. Điều này cũng giống như khi bạn lái xe, bạn không thể lái nhanh trong một đoạn cua quá hẹp và quá gắt được!

    Mặt khác, cơ thể bạn với các múi cơ và gân nối với nhau cũng không cho phép bạn đánh thẳng băng như kẻ chỉ được. Nó chỉ có thể thực hiện động tác với tốc độ cao khi đưa vợt đi từ cao xuống thấp, đi ngang khoảng 20 cm rồi lên cao lại mà thôi! Bạn cần đưa vợt đi trên quỹ đạo đó, sao cho đoạn đi có ích càng ít cong càng tốt! Bằng cách nào? Chỉ có cách là đừng mở vợt khi chuẩn bị cao quá nơi mà ta định đánh, cũng đừng kết thúc cao quá nơi ta đánh. Đây là lỗi phổ biến nhất của các tay vợt trung bình .

    Trên đây là ý niệm về qũy đạo theo mặt phẳng dọc (vuông góc với mặt đất) của một cú đánh hay. Thật ra có đến hai mặt phẳng mà ta cần xem xét cho cú đánh này. Nếu nhìn từ đỉnh đầu xuống, ta sẽ thấy có một mặt phẳng nằm ngang (tức nhìn từ đỉnh đầu xuống), các quy tắc về đường cong này cũng đúng! Một cú đánh mạnh với qũy đạo cong gắt từ trái sang phải là điều bạn không thể thực hiện được vì đoạn cong này quá gắt!

    Hình sau đây mô tả kết thúc của một cú đánh hoàn hảo. Dĩ nhiên là không phải lúc nào bạn cũng có thể và luôn làm được nhiều nhất như vậy, nhưng đây là ý niệm căn bản phải có nếu muốn sau này tiến xa, cộng với các nguyên tắc về cách tạo lực khi đánh mà chúng ta sẽ lần lượt phân tích sau đây.

    [​IMG]
    Cú đánh bóng hoàn hảo trong tennis


    Nguyên tắc 2 : Hiểu rõ nguồn gốc sinh ra lực

    Khi phân tích một cú đánh, yếu tố đầu tiên mà ta cần quan tâm rõ ràng chính là lực (chính xác hơn là nguồn lực) tác động vào bóng. Chúng ta thật sự lúng túng khi sử dụng từ lực (force) – rất dễ gây hiểu lầm - và nguồn lực (power). Chính xác thì cái mà chúng ta muốn đề cập đến lúc này là power, hiểu như lượng năng lượng mà ta đem đến cho bóng.

    Đây chính là yếu tố chính là thay đổi rõ rệt kết quả đánh bóng đi. Vấn đề nghiên cứu đặt ra ở đây là nguồn lực huy động của mỗi một bộ phận của cơ thể ta xảy ra như thế nào.

    Những ai bắt đầu chơi tennis đương nhiên khó lòng tạo ra nguồn lực nào khi đánh bóng. Họ chỉ cố gắng trả bóng lại an toàn và hài lòng với cú đánh đó.

    Vấn đề chỉ bắt đầu phát sinh khi trình độ nâng lên một tí, khi bạn bắt đầu có ý thức muốn tăng tốc cho bóng khi đánh đi. Có thể nhận thấy có đến 99,9999% người chơi tăng lực theo bản năng chỉ bảo, mà ít khi chịu suy nghĩ và phân tích thấu đáo, hoặc họ cho rằng chỉ cần đơn giản tăng tốc cho động tác đánh là quá đủ cho yêu cầu về lực đánh bóng. Suy nghĩ này thực sự sai lầm bởi lẽ lực tự nhiên tạo ra bởi một tay vợt mới chơi thực sự rất yếu ớt. Sở dĩ như vậy là vì ai mà hiểu biết sơ sài về nguồn gốc tạo ra lực, sẽ càng trở nên mơ hồ hơn khi nói tới phương pháp để tối ưu hóa việc tạo ra lực đánh bóng.

    Vậy lực ở đâu mà ra?

    Nguồn gốc của lực – đương nhiên là các múi cơ. Và phương pháp để tạo ra lực chính là co rút các múi cơ lại!

    Chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Phân tích sâu hơn cho thấy còn nhiều điều phải bàn ở đây. Khi ta nói đến co cơ – điều này cần xảy ra mạnh nhất ở giai đoạn chuẩn bị cho cú đánh - nghĩa là bạn phải có đủ dự trữ năng lượng trước khi có cú đánh tốt. Ví dụ như ở động tác chạy bộ, nếu bạn muốn xuất phát tốt, cơ thể bạn buộc phải co cơ hợp lý trước đó, nếu không các bước chạy ngay sau đó sẽ vô cùng yếu ớt vì lấy đâu ra năng lượng để đẩy cơ thể đi ???

    Sở dĩ chúng ta muốn nhấn mạnh điều này vì có một số tài liệu viết cần thả lỏng người khi đánh. Điều này chỉ đúng khi và chỉ khi bạn đã co cơ hết mức trước đó, vì nguồn lực tạo ra chính là do việc co cơ và dãn cơ xảy ra liên hoàn!

    Để bạn dễ hình dung, tôi lấy ví dụ chiếc xe gắn máy hay xe hơi. Trước khi muốn nó lao đi nhanh chóng, động cơ cần nạp nguyên liệu (giống giai đoạn ta co cơ vậy), do đó bạn hãy từ bỏ suy nghĩ không cần “nạp năng lượng” trước khi đánh bóng (mà đa số đều gặp), mà chỉ lo thả lỏng người lúc đánh.

    Như vậy, một tay vợt nhỏ con hoàn toàn có thể tạo ra cú đánh mạnh hơn hẳn của lực sĩ như Lý Đức hay Phạm Văn Mách (giả sử họ không tập chơi tennis). Và nếu chịu khó tập luyện một chút, đa số chúng ta hoàn toàn có thể tung ra những cú đánh sấm sét như các tay vợt top 200 ATP!

    Ngoài việc co cơ để nạp năng lượng, ta lại cần di động (bao gồm cả di chuyển bằng chân và thân hình, động tác đánh) sao cho toàn bộ cử động của ta được thực hiện với vận tốc cao. Đạt được điều này, cú đánh sẽ đạt uy lực tối đa với khả năng vật lý của cơ thể bạn! Phần dưới của mục này chúng tôi sẽ lý giải thêm về động năng tạo ra khi đánh bóng để giải thích điều này.

    Khi áp dụng nguyên lý trên cho lực đánh của bạn, cần phải lưu ý tới tốc độ của phản xạ cơ thể. Bạn cần nâng cao khả năng co cơ, cũng như nâng cao khả năng loại bỏ các yếu tố làm trì trệ sự co cơ này!



    Nguyên lý 3 : Nhận diện các nhóm cơ mạnh và yếu trên cơ thể

    Chúng ta đều biết, theo định luật 3 Newton, khi chân ta đạp vào đất một lực (nhờ sự co cơ và dãn cơ), mặt đất sẽ tác động lại lên cơ thể ta một lực bằng với lực trên. Điều này cho thấy vai trò của cơ chân co duỗi khi tạo lực ban đầu. Lực này được truyền qua cơ thể ta, vốn là một bộ xương - với các liên kết gân và cơ - để cuối cùng đi đến vợt và bóng.

    Rõ ràng, nếu chỉ dừng lại ở khái niệm nguồn gốc của lực là co và dãn cơ là chưa đủ. Ta cần nhận thấy rằng, cấu trúc cơ thể phân bổ các cơ mạnh yếu không đều nhau, và các nhóm cơ này cũng không phải tham gia bằng nhau trong lúc đánh bóng. Mỗi khi động tác của chúng ta đi đến một vùng giới hạn nào đó của cơ thể, thì nhóm lực mạnh ban đầu lại trở nên yếu đi, và sẽ có một nhóm cơ tiếp quản nguồn lực mạnh này (nếu ta biết cách sử dụng).

    Vậy ta bắt đầu tìm hiểu các cơ có sức mạnh nhất để tối ưu hóa việc sử dụng chúng khi đánh (tức khi ta chuyển động).

    Nếu để cử động cánh tay, các cơ sau đây là mạnh nhất xếp theo thứ tự: cơ vai, cơ liên sườn, và cơ bắp tay trên (chứ không phải là cơ cẳng tay từ cùi chỏ đến bàn tay). Cơ cẳng tay rất yếu và đóng góp rất ít trong chuyển động lăng tay, và cổ tay cũng tương tự : nó yếu và không đóng góp nhiều trong việc di chuyển cánh tay đánh bóng. Do đó, ta cần tập trung vận sức ở các nhóm cơ mạnh để tạo ra tốc độ nhanh của cánh tay khi đánh bóng.

    Tuy vậy, đối với cổ tay, ta cũng phải căng nó ra để chịu lại lực bóng. Bạn thử hình dung nếu chỉ cột cán vợt vào tay áo một cách lỏng lẻo, nó sẽ không thể chịu nổi cú va đập từ vợt vào bóng khi đánh. Thí nghiệm đo được, lực đánh vào bóng tương đương khoảng 30Kg cho một cú đánh của một tay vợt khá. Một cổ tay mềm mại khi tiếp xúc bóng rõ ràng sẽ làm hao hụt mất đáng kể một lượng sức mạnh truyền từ tay sang vợt.

    Tóm lại, khi đánh ta cần căng hầu như mọi loại cơ có tham gia vào tạo ra chuyển động. Tuy nhiên điểm khác biệt chính yếu là các cơ mạnh có vai trò chủ động để tạo lực, trong khi các nhóm cơ yếu lại có vai trò bị động, giúp chống lại lực quán tính (khi cánh tay trên đã bắt đầu lao đi, vợt theo quán tính không thể lao theo cùng một lúc được), chống lại lực va đập (lúc vợt đập vào bóng), hoặc chịu lại trọng lượng cơ thể (cơ mu bàn chân). Nói khác đi các nhóm cơ yếu chịu trách nhiệm làm cho lực sinh ra do các cơ mạnh không bị mất đi khi truyền từ bộ phận này sang bộ phận khác, kể cả việc không làm vợt bị bật lại khi chạm vào bóng.

    Bạn cũng cần nhận diện các hướng chuyển động nào cho phép các cơ mạnh có thể tạo ra lực tối đa về hướng đánh bóng. Ví dụ động tác xoay trên mặt phẳng ngang (song song mặt đất) không đem lại hiệu quả nhiều bằng xoay dọc (vuông góc với mặt đất). Bạn cũng phải để ý đến quảng đường cho phép di động của bộ xương chúng ta. Nếu để nó di chuyển đúng, ta sẽ có đoạn đường di chuyển có ích dài hơn. Đoạn đường càng dài, theo vật lý ta sẽ có vận tốc ở đoạn cuối của nó mạnh hơn (cho đến khi cơ thể ta bắt đầu bị vướng, sẽ làm chậm lại động tác – tức là đoạn đường vô ích mà tôi đã đề cập ở trên).

    Trên đây chúng tôi đã phân tích về động tác tay. Bạn có thể tự suy luận về các cơ huy động trong chuyển động chân. Bạn sẽ thấy cơ bắp chân, rồi bắp vế có vai trò chủ yếu. Cơ háng hầu như không được sử dụng nhiều, trong khi cơ mu bàn chân lại rất yếu (tương tự như cơ cổ tay).

    Nguyên lý 4: Sự kết nối của các bộ phận rời rạc trên cơ thể

    Như đã phân tích, lực đạp vào mặt đất được truyền đi từ chân, qua eo, lưng, vai, cánh tay rồi cổ tay, đến vợt và vào bóng. Cơ thể chúng ta vốn dĩ không phải là một khối cứng ngắc kết nối lại với nhau, do đó nếu không hiểu rõ cơ chế vận hành của bộ truyền động này, đa số lực tạo ra sẽ mất đi trong quá trình truyền lực này. Hậu quả là cú đánh của ta rất yếu dù tốn sức huy động khá nhiều. Ngược lại, nếu huy động đúng một phần nhỏ nhưng lực mất đi ít, ta vẫn có thể có những cú đánh mạnh tuy đang ở tình thế cứu bóng!

    Như vậy, yêu cầu cho mỗi nhóm cơ và vị trí tương đối giữa các bộ phận cơ thể khi đánh bóng nên như sau:

    Cổ tay và cẳng tay trước: với nhiệm vụ là chịu toàn bộ lực va đập của (vợt + bóng) vào cơ thể. Cổ tay khi tiếp xúc bóng buộc phải ở vị trí khóa chắc so với cánh tay. Như vậy, ở cú thuận tay, cổ tay phải được mở ra một góc khoảng 110 độ so với cánh tay, trong khi ở cú rơ-ve một tay, cổ tay cần thẳng hàng với cánh tay. Đó là các vị trí cho phép cổ tay vững chắc nhất.

    Cơ mu bàn chân và cổ chân: Nhiệm vụ là chỏi lại với mặt đất, tạo đà tiến tới cho cơ thể. Từ vị trí đứng thẳng, nhiệm vụ của co cơ này là nhấc gót chân lên khỏi mặt đất, và chịu lại toàn bộ cơ thể, kể cả khi đó cơ thể đang ở trạng thái mất cân bằng (thực ra là đang cân bằng động)

    Cẳng tay với cánh tay trên: xét trên mặt phẳng thẳng đứng, 2 bộ phận này có thể được giữ ở gần nhau bằng cách co tay cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lực đánh. Tuy nhiên, nếu so với mặt phẳng ngang (nhìn từ trên đầu xuống), cánh tay duỗi thẳng sẽ tạo ra được vận tốc dài lớn hơn ở vợt, so với cùng vận tốc quay của thân hình so với chân. Phân tích hình ảnh cho thấy Agassi thường hay đánh với cánh tay hơi gập, trong khi Federer đánh với cánh tay duỗi thẳng và biên độ đánh rộng hơn. Đánh với cánh tay gập giúp bạn đánh bóng gần người, trong khi đánh với cánh tay thẳng buộc phải đánh bóng xa người. Tùy vào tình huống bóng đến mà có lúc kiểu đánh này lợi hơn kiểu đánh kia. Ví dụ khi né trái đánh phải, rõ ràng đánh kiểu tay thẳng yêu cầu bạn phải di chuyển nhanh hơn đánh kiểu cánh tay gập. Thế nhưng khi đánh bóng thuận tay chẳng hạn, tay vợt quen với lối đánh tay thẳng sẽ có lợi khi với tới bóng, và uy lực cũng mạnh hơn nhờ vận tốc dài ở đỉnh vợt lớn hơn so với cùng tốc độ quay của thân người khi vào bóng.

    Thân người so với chân: rõ ràng việc vặn cơ eo, cơ hông, (nói chung là các cơ ở phần dưới của lưng), có vai trò nạp năng lượng vô cùng to lớn, lớn hơn nhiều so với cơ tay, và chịu trách nhiệm chính trong việc truyền tải lực đi từ đất lên đến tay đánh bóng.

    Cánh tay với vai: Một khi thân người đã xoay để truyền lực từ chân lên (thậm chí khi không kịp đạp chân vào đất), cơ vai cần được huy động để giữ cho cánh tay không được lỏng lẻo so với thân người, nếu không, toàn bộ lực huy động được sẽ mất đi đáng kể.

    Tóm lại, toàn bộ cơ thể ta có thể chia thành từng khối, cái này chồng lên cái kia một cách liên hoàn. Bạn cần có ý niệm rõ ràng về sự kết nối này trong toàn bộ chuỗi chuyển động và truyền động, sao cho lực tạo ra được truyền từ mặt đất lên đến cánh tay và đầu vợt có độ tiêu hao ít nhất, và huy động sai trong chuỗi truyền lực này sẽ làm tiêu hao một lượng lớn nguồn lực đã tạo ra trước đó!

    [​IMG]
    Kết hợp các bộ phận rời rạc trên cơ thể để thực hiện cú đánh


    Nguyên lý 5 : Xoay thân người và cách đạp chân vào đất đúng

    Lực đánh của tay không phải là lực duy nhất để đánh bóng. Việc xoay thân người có thể nâng cao lực đánh của tay lên đến 5 lần, đo được khi dùng lực kế.

    Điều này dẫn đến vấn đề cần nghiên cứu: làm sao để xoay người?

    Đã nói đến xoay, tất nhiên phải có một phần nào đó của cơ thể phải đứng yên để các bộ phận khác xoay dựa trên nó. Phần đó là gì? Chính là chân, nơi tiếp xúc với mặt đất. Chính đây là nơi để trái đất tác động lên cơ thể bạn. Hình chụp chậm cho thấy hai chân có nhiệm vụ đẩy cho cơ thể xoay, và một phần của chân hoàn toàn bất động để cơ thể xoay trên đó.

    Cụ thể hơn, có hai cách để tạo ra chuyển động xoay thân. Bạn có thể dùng cả 2 chân, hoặc chỉ cần một chân cũng được. Mỗi cách có ưu khuyết điểm riêng.

    Bánh xe nào muốn quay cũng có trục quay đứng yên. Khi xoay thân, chính chân sau làm nhiệm vụ trục quay này. Khi bạn xoay thân bằng hai chân, thì mỗi chân phụ trách nữa phần việc, nhưng chân sau bao giờ cũng là chân khởi đầu cho động tác xoay này.

    Tới đây thì chúng ta lại cần phải phân tích: để tốc độ xoay được tối ưu, đâu là các vị trí phải có giữa bàn chân, bắp chân dưới, bắp đùi, và lưng? Đó chính là nội dung của phần sắp tới.

    Như trên đã phân tích, lực đánh bóng sẽ mạnh nhất khi ta tạo ra được qũy đạo đánh bóng nằm trong mặt phẳng trùng với hướng bóng đi. Giả sử lấy mặt phẳng lưới làm gốc, và ta muốn đánh một cú thuận tay từ bên phải, đi chéo sân để qua bên kia và cách đường biên dọc khoảng 50 cm (cho an toàn) thì:

    - Khi kết thúc động tác, thân người sẽ phải hơi đỗ ra phía trước, và vai phải sẽ đưa ra trước vai trái như hình chụp sau đây. Để giữ thăng bằng, chân sau buộc phải nhón nhẹ gót lên khỏi mặt đất (một số cao thủ còn đá chân sau lên, thậm chí nhảy lên khỏi mặt đất)

    - Như vậy, muốn có lực đánh tối ưu, người đánh cần lấy đà bằng cách:

    + Thân người cần quay tối thiểu là song song với hướng đánh, thậm chí là quay được xa hơn thế một tí.

    + Hai chân phải hỗ trợ tối đa cho tư thế đó của thân. Chân sau lúc đầu sẽ là chân trụ, và trong quá trình đánh sẽ chuyển dần vai trò đó cho chân trước!

    + Chính vì vậy, bàn chân trước phải đặt như thế nào, sao cho nó hỗ trợ tối đa việc chuyển giao chân trụ này, kể cả bắp vế và bắp chân phải được huy động để xoay được thân người. Nghiên cứu cho thấy, tư thế tốt nhất là bàn chân trước tạo thành một góc rất nhọn so với hướng mà ta định dánh bóng đi, vì khi đó việc chuyển lực vào cú đánh là tối ưu. Khi đó cơ đùi dưới sẽ giúp xoay đoạn từ cổ chân lên đầu gối một góc khoảng 10 độ, còn cơ bắp đùi trên sẽ được huy động để xoay thêm thân người 20 độ nữa. Để động tác xoay được thoải mái, gót bàn chân buộc phải nhấc lên khỏi mặt đất.

    + Khi bắt đầu lấy đà, trọng tâm được đặt ở chân sau, do đó chân trước sẽ duỗi thẳng, và đầu gối sẽ gấp lại để cơ thể dễ dàng chuyển trọng tâm về trước sau đó.

    + Chân sau có nhiệm vụ là tạo ra lực đẩy ban đầu để vừa xoay được thân trên, vừa đưa thân người chuyển động tịnh tiến ra trước. Muốn vậy, bàn chân sau có hai tư thế để thực hiện:

    + Tư thế tối ưu: Nếu nhìn từ trên đầu xuống, bàn chân sau song song với bàn chân trước, hoặc xoay ngang hơn bàn chân trước để tạo lực đạp tới. Góc tạo ra giữa hai đường: từ cổ chân lên đầu gối, và từ đầu gối lên háng sẽ khoảng 20-40 độ. Góc tạo ra giữa bắp đùi và thân người sẽ là 50 đến 65 độ, tùy độ dẻo của mỗi người.

    + Tư thế kém tối ưu một chút: bắp đùi trên và bàn chân sau gần như song song (nhìn từ trên đỉnh đầu xuống), và bắp đùi tạo với thân hình một góc gần 90 độ.

    - Để tạo được động tác đẩy, gót bàn chân sau phải được nhấc lên, và góc tạo thành giữa bàn chân và đoạn ống quyển đo được là 50 độ .

    - Lưu ý, để tạo được động tác đẩy về trước. Đoạn ống quyển phải được chuẩn bị ở tư thế nghiêng hướng về trước, và GIỮ NGUYÊN tư thế này, chỉ có bắp vế là được đưa về trước để nối với nó thành một đường thẳng sau khi đạp chân vào đất. Nếu không, động tác đạp của bạn chỉ làm được một chuyện duy nhất là cơ thể đứng lên mà thôi, không phát huy được hết năng lượng mà đôi chân lấy được từ mặt đất để đây thân trên đi tới. Cú đánh khi đó sẽ không thể đi sâu đến cuối sân vì thiếu lực đẩy tới!

    - Chuỗi động tác cho cú thuận tay và cú giao bóng. Bạn sẽ thấy tổng quảng đường tạo ra do động tác đạp chân, xoay chân sau (+chân trước) và xoay thân sẽ tạo ra một quảng đường di chuyển lớn đáng kinh ngạc! Một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng là gót chân luôn phải nhấc lên khỏi mặt đất, nếu không nó sẽ không tạo ra được động tác xoay thân, cũng như để tránh gây chấn thương do thân trên (vốn rất nặng) xoay và vặn nó theo!

    Tuy vậy bàn chân không nên rời mặt đất, vì khi đó nó không còn điểm tựa để hỗ trợ cho động tác xoay.

    - Một khi thân trên xoay hết cỡ, nó sẽ “vặn” đầu gối và mắt cá chân đến mức có thể gây chấn thương nếu việc này lập đi lập lại nhiều lần. Bạn cần thử nghiệm để tìm ra tư thế kết thúc cho động tác xoay người mà không làm đầu gối và mắt cá chân khó chịu. Tương tự như vậy cho bàn chân trước. Nếu bạn đặt bàn chân trước song song với lưới, sẽ rất dễ bị chấn thương. Bàn chân trước cũng cần được nhón lên, và xoay theo để hỗ trợ cho động tác xoay của thân.

    - Trong một số cú – đặc biệt là cú giao bóng – việc xoay thân này cung cấp đến 80% năng lượng cho cú đánh. Tuy vậy trong cú rơ ve một tay, thì nó lại đóng góp ít hơn (sẽ có phần phân tích kỹ hơn về yếu tố này)

    - Lỗi thường thấy ở các tay vợt có trình độ trung bình là:

    1) không gấp đủ chân ở sau để lấy đà.

    2) không xoay thân trên đủ so với chân.

    3) Không biết cách sắp xếp để sử dụng hết năng lượng tạo ra do bộ động tác này (có thể là một cú đúng, còn ba cú thì không có sử dụng được hoặc có rất ít)

    - Như vậy, có 3 cách để tạo ra động tác xoay thân: một chân, hai chân, và một cách biến tấu nữa là bạn có thể nhảy lên không rồi xoay cả người trên không (như các cận động viên nhào lộn vậy). Hàng ngày, bạn có thể thấy các tay vợt top 10 ATP sử dụng các kiểu xoay thân này khi đánh, đặc biệt là thuận tay, giao bóng, cắt, vô lê.

    Nguyên lý 6 : Xoay trong mặt phẳng dọc và mặt phẳng ngang

    Để tạo hiệu quả đường dài khi đánh bóng, ta cần sử dụng động tác xoay vai trong mặt phẳng ngang. Thân người và vai là hai bộ phận tưởng chừng như một mà lại là hai. Rất nhiều bạn xoay vai mà không xoay phần thân dưới (nối với háng), và ngược lại, xoay thân dưới mà không xoay vai theo.

    Mặt khác, động tác lăng tay về thực chất chỉ là động tác xoay tay trên trục gốc là vai, nhưng theo mặt phẳng thẳng đứng.

    Hình vẽ sau đây cho thấy qũy đạo tạo ra khi kết hợp các bộ phận này với nhau. Kết quả là một lực đánh rất mạnh được tạo ra, và kéo theo là sự mất thăng bằng của cơ thể khi ta kết thúc nó. Đó chính là nội dung mà ta sẽ bàn tới trong phần kế tiếp.

    [​IMG]
    Cú đánh thuận tay hiện đại


    Nguyên lý 7 : Giữ thăng bằng khi đánh một cú sấm sét

    Cái giá phải trả của một cú đánh sấm sét là cơ thể sẽ rất dễ bị mất thăng bằng sau đó (do lực quán tính rất lớn). Ta có hai cách để giữ thăng bằng.

    Một là bạn giữ cho cơ thể đứng thẳng trên chân trước, với gót chân sau nhấc nhẹ khỏi mặt đất.

    Cách thứ hai là lướt cả người, gồm cả hai chân theo bóng. Cách thứ hai sẽ tạo ra uy lực rất lớn, nhưng khuyết điểm của nó là bạn phải di chuyển vào trong sân quá sâu. Các tay vợt giao bóng lên lưới luôn sử dụng kiểu lấy thăng bằng này .

    Nguyên lý 8 : Bạn chỉ có thể đánh mạnh khi có một thể trạng tối thiểu

    Như đã phân tích, một cú đánh mạnh đòi hỏi huy động các cơ của gần như toàn bộ cơ thể, từ chân lên đến tay thành một chuỗi liên tục và liền mạch. Nếu không tập thể dục để duy trì các cơ này ở mức đủ sức, bạn sẽ không thể có cú đánh như ý được. Đối với các bạn nghĩ lâu không chơi, thực tế là chỉ cần 2 tuần vận động, tuần 3-4 lần, mỗi lần một tiếng (nhảy, nhảy chéo chân, chạy nước rút, đứng lên ngồi xuống với lưng dựa vào tường, xoay hông với dây thun,…) là có thể đủ thể trạng để hồi phục đẳng cấp trước đó.

    Trên đây Hienvinhtennis đã phân tích những điểm hết sức căn bản cho các cú đánh. Nếu cần phải nói thêm trước khi đi vào kỹ thuật đánh tennis cho từng cú (trên cơ sở vận dụng các nguyên lý này), có lẽ cần phải nói thêm ngắn gọn về năng lượng tạo ra khi đánh bóng.

    Ta đều biết năng lượng tạo ra bằng 1/2 x trọng lượng x vận tốc bình phương. Như vậy khi đánh vào bóng, trọng lượng khi đánh bao gồm vợt, và cả trọng lượng cơ thể. Vận tốc của cơ thể khi di chuyển vào bóng có thể đạt được khoảng 30 km/h khi sử dụng các kỹ thuật trên. Vợt tuy chỉ nặng khoảng 300 gr nhưng cộng với trọng lượng cơ thể khoảng 60 kg (tức 60,000 gram, gấp 200 lần trọng lượng bóng). Bạn dễ dàng tính ra năng lượng bạn có thể đưa vào bóng, và tốc độ của bóng mà bạn có thể tạo ra được khi rời vợt.

    Hy vọng với bài viết này, bạn sẽ nắm bắt chi tiết về kỹ thuật đánh cú thuận tay để việc học tennis trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công !
     

Chia sẻ trang này