Phòng tránh chấn thương trong các hoạt động thể dục thể thao ( tdtt ). Xã hội phát triển, kéo theo nhiều nhu cầu của con người phát triển. Trong đó nhu cầu tập luyện, thi đấu giải trí tdtt. Ngày nay với số đông khi tìm đến các môn thể thao để tập luyện vui chơi với mục đích chính là nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực và nâng cao thành tích thể thao... Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm hoặc ỷ lại, coi thường, không tuân theo các nguyên tắc phương pháp khoa học trong các hoạt động tdtt nên người tập thường để xảy ra các chấn thương như: - Xây xát ngoài da, có chảy máu ít. - Choáng, ngất. - Tổn thương cơ. - Bong gân. - Tổn thương khớp, sai khớp. - Dập, hoặc gãy xương. - Chấn động não hoặc cột sống.... Nhìn chung với dạng chấn thương nào thì việc chúng ta để xảy ra chấn thương cho bản thân sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực, ảnh hưởng đến kết quả học tập và lao động công tác là đi ngược lại với mục đích ban đầu của việc tập luyện tdtt. Nên ta có thể kết luận " chấn thương là kẻ thù của hoạt động tdtt ". ... Một số nguyên nhân đem lại chấn thương: - Không thực hiện đúng hoặc đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản trong tập luyện và thi đấu tdtt: + Nguyên tắc hệ thống: Là tập luyện thường xuyên, liên tục, kiên trì, có kế hoạch rõ ràng. + Nguyên tắc tăng tiến: Tập luyện từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Không nóng vội đốt cháy giai đoạn, không ngẫu hứng, tùy tiện. + Nguyên tắc vừa sức: Là tập luyện phù hợp với khả năng lượng vận động của từng người. - Không đảm bảo vệ sinh trong hoạt động tdtt: + Trang phục không phù hợp. + Địa điểm, trang bị dụng cụ không đảm bảo, cơ sở vật chất xuống cấp. + Môi trường, ánh sáng, độ ẩm, không khí, nhiệt độ, tiếng ồn.... không đảm bảo an toàn cho các hoạt động tdtt. + Ăn uống trước, trong và sau khi hoạt động tdtt thiếu khoa học, không phù hợp, không đủ hoặc thiếu chất dinh dưỡng. - Không tuân thủ kỷ luật, nội quy, quy định, luật lệ, điều lệ của các hoạt động tdtt. Nhìn chung các chấn thương đều do hai nguyên nhân chính là nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây ra, trong đó nguyên nhân bên ngoài là tác nhân chính còn nguyên nhân bên trong là điều kiện phụ trợ làm xuất hiện chấn thương hay nói cách khác nguyên nhân bên ngoài gây ra những biến đổi bên trong cơ thể và chính những biến đổi này sẽ dẫn đến chấn thương. Các tác nhân bên ngoài gây ra chấn thương: - Do sai lầm trong phương pháp giảng dạy của huấn luyện viên hoặc giáo viên. - Do các thiếu sót trong việc tổ chức tập luyện và thi đấu. - Do không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vật chất, kỹ thuật trong tập luyện. - Do không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện khí hậu và điều kiện vệ sinh - Do các hành vi không đúng đắn của bản thân vận động viên. - Do không tuân thủ các yêu cầu của y tế. Các tác nhân bên trong gây ra chấn thương: - Những rối loạn về khả năng định hình trong khôn gian và sự giảm sút của các phản ứng bảo vệ, sức tập trung chú ý của vận động viên. - Những biến đổi về trạng thái chức năng của một số hệ cơ quan do ngừng luyện tập vì một lý do nào đó (ốm, mệt…) - Do cấu trúc giải phẫu của cơ thể không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của môn thể thao. Một số biện pháp ngăn ngừa chấn thương Do chấn thương thường được gây ra bởi rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, cho nên muốn nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa thì trước hết chúng ta phải hiểu rõ và nắm vững các quy luật và nguyên nhân chủ yếu gây ra các chấn thương để từ đó đề ra các phương pháp phòng ngừa thích hợp với các nội dung như: -Tăng cường công tác tập luyện nhằm phát triển toàn diện cả 4 tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo léo và trong quá trình tập luyện cần phải đặc biệt chú ý đến việc phát triển các bộ phận cơ thể có cấu trúc giải phẫu không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đồng thời thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tăng tiến và vừa sức ( phân tán khối lượng ) , để từng bước làm cho các bộ phận này thích nghi dần với yêu cầu kỹ thuật của động tác. - Nâng cao ý thức tự giác, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng ngừa chấn thương, các nguyên nhân gây ra chấn thương và các phương pháp phòng ngừa, bảo hiểm và tự bảo hiểm. - Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tập luyện. Để làm tốt được điều này thì yêu cầu huấn luyện viên phải không ngừng trao đổi, học hỏi để nắm vững về cơ sở khoa học của hoạt động thể dục thể thao và nâng cao kiến thức cơ bản, đặc biệt là về y sinh học thể dục thể thao. tổng hợp nhiều nguồn...